Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào?

Tác giả: 10/05/2022

Trong nền kinh tế mở và điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giao kết hợp đồng điện tử đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn. Vậy hợp đồng điện tử là gì? Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào? Trong phạm vi bài viết này, Nhân Hòa sẽ chia sẻ những quy định của pháp luật có liên quan đến các vấn đề nêu trên. 

1. Hợp đồng điện tử là gì?
– Khái niệm
Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật, cụ thể theo quy định tại Luật giao dịch điện tử năm 2005, hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của luật này.
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
– Nguyên tắc giao kết hợp đồng điện tử
+ Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử (phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự) trong giao kết và thực hiện hợp đồng
+ Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng
+ Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó
+ Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng
+ Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu

2. Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào?
Hiện nay, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành cũng không quy định nào về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử.
Nhưng theo những quy định tại của Bộ luật dân sự 2015 thì: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” (Khoản 1 Điều 119).
Theo quy định tại Luật thương mại 2005: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản” (Điều 15).
Có thể thấy rằng, hiệu lực của hợp đồng điện tử vẫn được xét theo hiệu lực của hợp đồng bằng văn bản thông thường nếu thỏa mãn các điều kiện của việc tạo lập thông tin, gửi, nhận và lưu trữ thông tin bằng phương tiện điện tử.

 

– Điều kiện để công nhận hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc
+ Nội dung của hợp đồng điện tử được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng thông điệp hoàn chỉnh
Nghĩa là thông điệp đó trong hợp đồng điện tử chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu
+ Nội dung của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết nghĩa là thông điệp dữ liệu có thể mở được, đọc được, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ tin cậy mà các bên quy ước/thoả thuận với nhau
– Điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực theo quy định của pháp luật:
Hợp đồng điện tử đảm bảo có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì ngoài tuân theo các quy định về giá trị pháp lý, hợp đồng điện tử phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Theo điều kiện về chủ thể: Chủ thể ký kết hợp đồng phải hợp pháp, có đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp
+ Theo điều kiện về nguyên tắc kết giao : Chủ thể tham gia giao dịch, ký kết hợp đồng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, thiện chí. Sự ép buộc, giả dối sẽ làm vô hiệu hợp đồng khi ký kết
+ Theo điều kiện về đối tượng, mục đích và nội dung: Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Đối tượng của hợp đồng không thuộc nhóm hàng hóa cấm giao dịch, công việc cấm thực hiện
+ Theo hình thức giao dịch của hợp đồng dân sự phải tuân theo quy định của pháp luật đối với từng loại hợp đồng khác nhau
+ Các chủ thể ký kết hợp đồng phải hợp pháp. Thông thường các bên giao kết phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
+ Các chủ thể ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện tức là xuất phát từ ý chí thực, từ sự tự do ý chí của các bên trong các thỏa thuận hợp đồng đó. Sự ép buộc, giả dối sẽ làm vô hiệu hợp đồng khi ký kết
+ Nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đối tượng của hợp đồng không thuộc hàng hóa cấm giao dịch, công việc cấm thực hiện. Bên cạnh đó, nội dung của hợp đồng cần phải cụ thể, bởi vì việc xác lập nghĩa vụ trong hợp đồng phải cụ thể và có tính khả thi. Những nghĩa vụ trong hợp đồng mà không thể thực hiện được thì hợp đồng cũng không được coi là có hiệu lực pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ
+ Thủ tục và hình thức của hợp đồng phải tuân theo những thể thức nhất định phù hợp với những quy định của pháp luật đối với từng loại hợp đồng

3. Hợp đồng đã có hiệu lực thì có được sửa đổi bổ sung không?

Theo Khoản 2 Điều 401 Bộ luật dân sự 2015
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo đó, điều luật quy định, từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, hiệu lực hợp đồng là vấn đề mang tính bản chất của hợp đồng, vì suy cho cùng, các bên thiết lập hợp đồng là để ràng buộc quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Hiệu lực hợp đồng là giá trị pháp lý của hợp đồng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, và giá trị pháp lý ràng buộc các bên tham gia hợp đồng phải tôn trọng và phải thi hành nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ đó.
Chỉ kể từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới phát sinh và bị ràng buộc với nhau đồng thời các bên không thể tự ý rút lại, sửa đổi, hủy cam kết trong hợp đồng.
Ngoài ra, xác định được thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn có ý nghĩa trong việc phân loại hợp đồng (ưng thuận hay thực tế), xác định được hiệu lực đối kháng với người thứ ba hoặc xác định có sự vi phạm hợp đồng hay không… Chính vì vậy, xác định được chính xác thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là vô cùng cần thiết.

4. Hợp đồng điện tử vô hiệu trong trường hợp nào?
Theo Điều 407 Bộ luật dân sự 2015: “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”.
Hợp đồng vô hiệu là những hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì hợp đồng là một loại giao dịch phổ biến nên các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật dân sự cũng được áp dụng để giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu.

 

Như vậy, hợp đồng sẽ vô hiệu trong những trường hợp sau:
– Hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
– Hợp đồng giả tạo.
– Hợp đồng do người không có năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
– Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn.
– Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
– Hợp đồng do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình.
– Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
5. Kết luận
Như vậy, hiệu lực của hợp đồng điện tử không chỉ phụ thuộc vào giá trị pháp lý hợp đồng, hợp đồng cũng phải đáp ứng theo quy định pháp luật liên quan, đảm bảo hình thành hợp đồng hợp pháp.

Trả lời